Nuôi lươn hết nghèo

Nuôi lươn hết nghèo

Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 09/12/2011 
Ngày cập nhật: 10/12/2011

Câu nói “Muốn giàu nuôi cá…” hiện nay đã không còn phù hợp với đa số người dân ở tỉnh An Giang khi con lươn đang chiếm vị thế trong việc xóa đói giảm nghèo. Không ít người giàu lên từ con lươn. Cá biệt, có người thu nhập lên trên 1 tỉ đồng nhờ nuôi lươn. Người ta bảo nhau, muốn hết nghèo thì nuôi lươn!

Mô hình nuôi lươn đồng phổ biến ở tỉnh An Giang hiện nay là nuôi trong bồn xây bằng gạch hoặc dựng lên từ những tấm bạt ni-lông. Vốn đầu tư thấp, dễ làm nhưng hiệu quả kinh tế cao sau khoảng 6 – 7 tháng thả nuôi. Lươn giống được khai thác từ thiên nhiên. Trong vài tháng nay, nhiều hộ nuôi thử nghiệm ươm lươn giống, cung cấp cho người nuôi ở địa phương.

* Tiền tỉ dưới sàn nhà

Nuôi lươn đồng dưới sàn nhà giúp người nuôi thoát nghèo, làm giàu.

Nghề nuôi lươn đồng hiện đang phát triển rầm rộ tại tỉnh An Giang. Thành công của nhiều hộ nuôi đã khẳng định được tính hiệu quả của mô hình. Đến xứ lụa Tân Châu – An Giang, người ta vẫn râm ran câu chuyện về hộ nuôi lươn dưới sàn nhà nhưng thu hoạch được tiền tỉ. Từ đó, nhiều người nuôi ở địa phương xây bồn, dừng bạt ni-lông thành bồn thả lươn nuôi ngay dưới sàn nhà của mình…

Câu chuyện “tiền tỉ dưới sàn nhà” là nói về hộ nuôi lươn Phan Thị Phụng, ở ấp Tân Hậu A2, xã Tân An (thị xã Tân Châu). Những năm 2000 – 2002, khi nghề nuôi lươn trong bồn mới xuất hiện rải rác, bà Phụng cùng chồng nhanh chóng học hỏi kinh nghiệm và dựng bạt ni-lông dưới sàn nhà nuôi thử nghiệm. Đa số nhà ở vùng lũ là nhà “cao cẳng”. Sàn nhà cao ít nhất 1,5 mét; có khi cao đến 2 – 3 mét. Diện tích bồn nuôi lươn chỉ khoảng 40 – 50 mét vuông. Tức chỉ chiếm một phần nhỏ trong diện tích sàn nhà 150 – 200 mét vuông. Vụ đầu tiên, vợ chồng bà Phụng bán lươn thương phẩm được khoảng 30 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư vụ đầu, lãi hơn một nửa. So với làm ruộng, nuôi lươn lãi hơn nhiều. Từ đó, vợ chồng ông lấy lời đắp vào vốn để phát triển diện tích nuôi. Đến nay, toàn bộ diện tích sàn nhà được gia đình bà quy hoạch thành nhiều bồn nuôi lươn. Ăn nên làm ra, trong khoảng 2 – 3 năm trở lại đây, bồn lươn đã lấn sang ruộng lúa. Bà Phụng dành hẳn một công ruộng sau nhà và tận dụng hết diện tích đất trống xung quanh nhà xây hàng chục bồn lươn. Gia đình làm không xuể, bà phải thuê thêm nhân công để tháo nước bồn lươn, cho lươn ăn… Nuôi quy mô lớn, bà Phụng thu hoạch xoay vòng. Hễ thương lái cần mua lươn bất kỳ thời điểm nào bà cũng có nguồn để cung cấp.

Nghề nuôi lươn đã mang lại thu nhập đáng kể cho gia đình bà Phụng. “Nuôi lươn không khó, đầu ra thuận lợi nên ai cũng có thể làm được. Ở nông thôn, đất bỏ trống xung quanh nhà rất nhiều, dễ phát triển nghề này. Cũng nhờ nuôi lươn mà kinh tế gia đình tôi “dễ thở” hơn. Chứ ở quê mà nuôi hai đứa con học đại học thì cũng tốn kém lắm”, bà Phụng tâm sự. Không chỉ “dễ thở” trong chi tiêu, nghề nuôi lươn đã đưa gia đình bà vào nhóm nông dân có thu nhập tỉ đồng vào những năm 2010 – 2011, trở thành điển hình ở địa phương và tỉnh An Giang. Ông Nguyễn Văn Diệu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân An, cho biết: “Bà Phụng là một điển hình cho sự thành công của mô hình nuôi lươn trong bồn. Nhờ thành công này, công tác triển khai mô hình nuôi lươn đến với người nghèo có sức thuyết phục cao. Giờ đây, ở địa phương hầu như hộ nào cũng nuôi lươn. Mỗi hộ nuôi ít nhất cũng 30 – 50 mét vuông. Hộ nuôi nhiều, diện tích lên tới vài ngàn mét vuông…”.

* Nhà nhà nuôi lươn

An Giang là một trong số ít các tỉnh có diện tích nuôi lươn lớn ở ĐBSCL. Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành nông nghiệp tỉnh này, hiện có khoảng 120.000 mét vuông nuôi lươn, nằm rải rác các nơi trong tỉnh. Nhu cầu con giống hiện khoảng 10 triệu con/năm. Lươn giống phần lớn được khai thác từ thiên nhiên, loại 50 – 70 kg/con. Do nhu cầu nuôi nhiều, một số người khai thác giống đã sử dụng xung điện để khai thác nên chất lượng giống giảm, tỷ lệ chết lên đến 70 – 80%, gây tổn thất cho người nuôi. Trước tình hình đó, tháng 9-2009, Trung tâm Giống thủy sản An Giang đã tiếp nhận và triển khai công nghệ sản xuất lươn giống bán nhân tạo cho người dân. Đến nay, việc sản xuất lươn giống được lấy trứng từ lươn mẹ tự nhiên đã mang lại hiệu quả tích cực. Tỷ lệ chết chỉ dừng lại ở mức dưới 10%.

Nhiều hộ chịu khó bắt ốc bươu vàng xay làm thức ăn cho lươn, cho lãi 60 – 70% tổng thu nhập từ con lươn, giúp kinh tế gia đình “dễ thở” hơn.

Anh Nguyễn Văn Phon, một hộ nuôi lươn ở thị xã Tân Châu, cho biết: “Nuôi lươn trong bồn, tỷ lệ chết 50% vẫn có lời. Lươn giống bán nhân tạo đạt tỷ lệ chết thấp như vậy là ăn chắc. Lãi 80% tổng thu nhập là ít”. Anh Phon mới bắt đầu nuôi lươn từ năm 2007. Là hộ nghèo nên gia đình anh được vay 4 triệu đồng làm vốn nuôi lươn trên diện tích 50 mét vuông bên hông nhà. Ngay vụ đầu tiên, anh đã thu được 75 triệu đồng. Nhờ vợ chồng anh chịu khó đi bắt ốc bươu vàng về xay làm thức ăn cho lươn nên chi phí đầu tư thấp. Vụ đó, anh lãi khoảng 60 – 70%. Hiện nay, diện tích nuôi lươn của anh tăng lên 200 mét vuông, thu nhập khoảng 300 – 400 triệu đồng/năm. “Giá lươn năm nay ngon lành lắm. Loại I (từ 200 gr/con trở lên) bán được 120.000 – 140.000 đồng/kg. Có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Có nhiều lúc thương lái chạy rần rần đi săn lươn thương phẩm mà vẫn không có nguồn cung…”, anh Phon cho hay.

Đi khắp tỉnh An Giang, đâu đâu cũng gặp những bồn nuôi lươn của người dân. Bồn được dựng lên trên nền đất và cho vào khoảng 2 tấc đất sét có thể làm nơi trú ẩn cho lươn. Theo kinh nghiệm của nhiều người nuôi, đất sét có màu vàng sẽ tốt hơn cho lươn và ảnh hưởng đến màu da của lươn. Lươn có màu vàng nhìn bắt mắt, có thể “ép giá” thương lái. “Con lươn ăn dơ nhưng ở sạch” nên môi trường sống của chúng cần phải sạch sẽ, mát mẻ. Người nuôi thường lấy cây bắp khô đậy kín bồn nuôi, chỉ chừa một khoảng trống nhỏ để thả thức ăn. Nước trong bồn duy trì khoảng 3 tấc cao và đổi nước 2 – 3 lần/ngày để nguồn nước luôn mới, ít bị ô nhiễm. Thức ăn của chúng là ốc bươu vàng và cá phân, phế phẩm từ nhà máy thủy sản xay nhỏ rất dễ kiếm ở vùng sông nước.

Kỹ thuật nuôi đơn giản, chi phí đầu tư thấp nên nghề nuôi lươn đã phát triển nhanh chóng và trở thành “con giống thoát nghèo” cho nhiều địa phương. Ông Nguyễn Văn Năm ở xã Tân Lập (huyện Tịnh Biên) thả nuôi 275 kg lươn giống khai thác từ thiên nhiên vào mùa lũ. Chỉ trong vài tháng, anh đã có nguồn cung cho thị trường nhờ phân loại kích cỡ lươn để nuôi trong 11 bồn khác nhau. Mỗi ký giống vào thời điểm mùa lũ chỉ khoảng 50.000 đồng. Thời gian nuôi vỗ béo khoảng 3 tháng, bán bồn thứ nhất đã thu được gần 50 triệu đồng. Theo kinh nghiệm bản thân, chỉ cần bán 4 bồn, anh đã thu hồi được vốn; còn lại là lãi ròng.

Con lươn hiện đã xuất hiện trong thực đơn các nhà hàng, quán xá khắp nơi trong cả nước. Tại các thành phố lớn, thực đơn lươn càng phong phú với nhiều cách chế biến từ đơn giản đến cầu kỳ, đáp ứng nhu cầu thực khách. Con lươn dưới sàn nhà vào được nhà hàng lớn, khu du lịch… trở thành đặc sản. Nghề nuôi lươn đồng thương phẩm sẽ không dừng lại ở đây!

MIÊN HẠ

Bình luận về bài viết này